Kẻ thù dấu mặt phá hủy lá gan

Gan là cơ quan nội tạng có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng trao đổi chất của cơ thể, chuyển hóa, đào thải độc tố…
Theo một thống kê tại Mỹ trong số 100 người bị nhiễm virus viêm gan C thì có 75-85 người sẽ chuyển sang virus viêm gan C mãn tính, 60-70 người mắc bệnh sẽ tiến triển thành bệnh gan mãn tính, 5-20 người sẽ phát bệnh xơ gan trong khoảng thời gian từ 20-30 năm, 1-5 người qua đời vì xơ gan hoặc ung thư gan. Tương tự như viêm gan B, viêm gan C có thể là một căn bệnh thầm lặng không có triệu chứng cho đến khi thiệt hại nghiêm trọng về gan.
Viêm gan siêu vi B và C thường lây lan qua đường máu hoặc chất dịch cơ thể của người bị bệnh, dùng chung kim tiêm, tình dục không an toàn. Thậm chí mầm bệnh có thể tiềm ẩn trên bàn chải đánh răng và dao cạo râu. Do đó nếu trong gia đình có người bị viêm gan thì điều quan trọng là phòng ngừa cho những người khác để tránh lây bệnh. Đặc biệt, rửa tay, giữ vệ sinh sạch sẽ là cực kỳ quan trọng.
Những người sống chung với bệnh nhân viêm gan B, quan hệ tình dục không an toàn với người mắc bệnh, những đứa trẻ sinh ra từ người mẹ bị viêm gan B, hoặc nhân viên chăm sóc y tế… cần được tiêm phòng ngừa viêm gan B. Đối với viêm gan C, hiện tại do không có thuốc tiêm phòng nên việc chăm sóc người bệnh cần cẩn trọng, tránh quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc với máu của người bị nhiễm bệnh; không dùng chung kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng…
Lá gan phải làm việc liên tục với rất nhiều hoạt động nên khi chúng ta sử dụng những loại thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ khiến gan trở nên “đuối sức”. Chẳng hạn như rượu bia, nước uống, thực phẩm độc hại, không khí ô nhiễm hay các loại thuốc giảm đau không qua kê toa. Bởi như vậy sẽ khiến gan phải làm việc cực nhọc hơn. Vì vậy, cần tăng cường bảo vệ gan thông qua chế độ ăn uống khỏe mạnh, đầy đủ dưỡng chất tốt cho gan như ăn nhiều rau xanh; các loại rau củ quả thiên nhiên như đu đủ, củ cải trắng, gấc, lêkima, tỏi, khổ qua,…; nên uống nhiều nước lọc và tập thể dục mỗi ngày.